Truyền thồng kỷ niệm 49 năm giải phóng xã (phường) Hoài Tân (28/3/1975-28/3/2024)
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền thồng kỷ niệm 49 năm giải phóng xã (phường) Hoài Tân (28/3/1975-28/3/2024)

Trong công cuộc đấu tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc; Hoài Tân là một địa bàn Trọng điểm đánh phá ác liệt của địch; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân Hoài Tân cùng cả nước đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang.

Thời kỳ năm 1955-1959 kẻ thù đã dùng tất cả các thủ đoạn hết sức thâm độc xảo quyệt để tiêu diệt lực lượng cách mạng; trong tình thế gặp khó khăn, Nhân dân Hòai Tân vẫn luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng, nhiều thanh niên Hoài Tân sớm đã giác ngộ cách mạng thoát ly gia đình tham gia lực lượng vũ trang của xã.

Sau khi có Nghị quyết 15 của ban chấp hành Trung ương chuyển hướng đấu tranh cách mạng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang; là ngọn cờ hiệu triệu cổ vũ cách mạng miền Nam tiếp tục phát triển lớn mạnh; phong trào cách mạng của Hoài Tân cùng với nhân dân trong toàn huyện (nay là thị xã Hoài Nhơn) kết hợp với khởi nghĩa vũ trang; chúng ta đã phá tan ấp chiến lược của địch; đến cuối năm 1964 ta giải phóng thôn giao hội (nay là khu phố giao hội 1, giao hội 2); thôn An dưỡng (nay là khu phố an dưỡng 1, an dưỡng 2) và tranh chấp một nửa thôn đệ Đức (nay là 03 khu phố Đệ Đức 1,2,3). Đồng thời ta đã tổ chức chống địch càn quét lấn chiếm của trung đoàn 40, sư đoàn 22 ngụy, duyệt 28 tên, thu 02 súng, thu 01 máy vô tuyến 15W gây thiệt hại nặng cho tiêu đoàn 4 trung đoàn 40. Đây là trận đánh đầu tiên mà lực lượng du kích địa phương cấp tiểu đội đánh với cấp tiểu đoàn chủ lực có trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại; là trận đánh mang ý nghĩa to lớn, động viên tinh thần cách mạng cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong phong trào đánh địch bảo vệ vùng giải phóng.

Âm mưu chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy bị quân và dân ta đánh bại, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của ngụy Quân ngụy quyền Sài Gòn năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam chúng chọn Hoài Nhơn là một trong 05 mũi tên phản công của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam để đánh phá chiến trường Bắc Bình Định; chúng lấy địa bàn Hoài Tân làm bàn đạp, xây dựng căn cứ quân sự có sân bay để đánh phá phong trào cách mạng hoài nhơn và Bắc Bình Định. Từ năm 1965 đến năm 1968 quân và dân Hoài Tân nhất tề nổi dậy diệt ác ôn, đốt kho xăng dầu, phá hủy hàng ngàn tấn bom đạn của địch tại căn cứ Đệ Đức, lực lượng vũ trang của địa phương vừa độc lập chiến đấu vừa phối hợp với lực lượng chủ lực đánh trên 82 trận lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 468 tên, bắt sống 28 tên, thu 25 súng các loại, bắn rơi 4 máy bay lên thẳng.... góp phần làm đảo lộn thế chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng ở toàn miền Nam.

Trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" Địch vẫn chọn Hoài Nhơn trong đó Hoài Tân là một trong những căn cứ trọng điểm để thực hiện chương trình “Bình Định nông thôn”; mặc dù chúng dùng nhiều thủ đoạn đánh phá hết sức ác liệt gây nhiều tổn thất cho phong trào cách mạng. Thực hiện chủ trương của Đảng phát động quần chúng kiên cường bám trụ, tập trung củng cố xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt đánh bại âm mưu Bình Định của địch, chỉ trong vòng 20 ngày trong chiến dịch Xuân hè năm 1972. Quân và dân Hoài Tân cùng với bộ đội chủ lực tiêu diệt cứ điểm Đệ Đức xóa bỏ trung đoàn 40 của sư đoàn 22 Ngụy; thu về hàng ngàn súng các loại trong đó có 4 khẩu pháo 155 và 105 ly 4 xe tăng m113, hàng ngàn tấn bom đạn và nhiều phương tiện chiến tranh các loại, có 500 tên ngụy quân, ngụy quyền bị bắt làm tù binh. Hoài Tân được hoàn toàn giải phóng.

Cuối tháng 7 năm 1972 địch huy động toàn bộ sư đoàn 22 bộ binh, 2 liên đoàn biệt động có xe tăng pháo binh và máy bay B52 phản kích chiếm lại hoài nhơn; theo đó địch có kèm theo bộ máy nguỵ quyền xã được hình thành từ Phú Tài đưa về, trước tình hình đó chi bộ Đảng xã Hòai Tân đã đề ra chủ trương tập trung lãnh đạo quân và dân trong xã chuẩn bị lực lượng, tinh thần chống phản kích chủ động tấn công địch giữ đất, dành dân, giữ địa bàn hoạt động. Sau hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 chúng thực hiện cái gọi là tràn ngập lãnh thổ, nhưng chúng ta không một chút lơ là mất cảnh giác, đã vững vàng tay súng, tay cờ bảo vệ từng tấc đất của quê hương, chuẩn bị thực lực cách mạng để giải phóng miền Nam. Hòa nhịp với chiến dịch Xuân hè năm 1974 của huyện; đơn vị vũ trang của xã đã tập kích đánh trụ sở ngụy quyền xã Hoài Tân làm cho tư tưởng bọn ngụy quân, ngụy quyền hoang mang dao động; trên Đà tấn công nổi dậy chiến dịch Tây Nguyên mở màn; huyện ủy và ban chỉ huy mặt trận của huyện Hoài Nhơn đã triển khai kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; Chi bộ Đảng xã Hòai tân đã lãnh đạo và củng cố lực lượng; kết hợp với lực lượng vũ trang huyện, tăng cường tổ chức đánh địch với tinh thần khẩn trương bằng ba mũi giáp công, với tinh thần “thôn giải phóng thôn, xã giải phóng xã”, từ ngày 24/3 quân dân toàn huyện đã thực hành tổng tiến công và nổi dậy bao vây bức rút, bức rã, bức hàng hệ thống chốt điểm còn lại, quân địch chống cự yếu ớt và lần lượt chạy về Đệ Đức, Bồng Sơn. Ở Hoài Tân, lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận của xã đã hình thành thế vây ép buộc địch phải bức rút những chốt điểm lẻ dồn về Đệ Đức. Khi ta tấn công làm chủ Tam Quan, du kích xã, thôn Hoài Tân đã đón đầu chận đánh bọn địch ở Tam Quan chạy về Đệ Đức, diệt 20 tên, có tên chi khu trưởng chi khu Tam Quan, bắt 12 tên. Đêm 27/3, bộ đội huyện pháo kích, vây ép Đệ Đức, làm nổ kho đạn trong 5 giờ liền. Sáng 28/3, địch tháo chạy; lực lượng khởi nghĩa chiếm trụ sở ngụy quyền xã lúc 8 giờ sáng ngày 28/3/1975; Hoài Tân được hoàn toàn giải phóng; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị vũ trang tiến công bao vây đánh các đơn vị địch còn bám giữ các điểm cao, phối hợp cùng các lực lượng vũ trang và nổi dậy giải phóng Bồng Sơn lúc 10 giờ sáng ngày 28/3/1975.

Trải qua 21 năm ròng rã chiến đấu và chiến thắng, Chi bộ, nhân dân Hoài Tân cũng như cả huyện Hoài Nhơn luôn hướn đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn tàn bạo của Mỹ, chịu đựng gian khổ, vượt qua tổn thất hy sinh, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo làm nên những chiến công hiển hách. Hoài Tân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: với 504 Huân, Huy chương các loại. Trong đó: 13 Huân chương Chiến công hạng 1. 95 Huân chương Kháng chiến. 129 Huy chương Kháng chiến. 28 Huân chương Giải phóng. 37 Huân chương Chiến sĩ giải phóng. 25 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. 125 Bằng khen. 56 chiến sĩ thi đua cấp huyện. 10 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. 52 Mẹ Việt Nam anh hùng. 329 liệt sĩ. 190 Thương binh, 24 bệnh binh. Được Đảng và Nhà nước trao tặng vinh dự Danh hiệu anh hùng cho cán bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Hoài Tân; 2 Anh hùng liệt sĩđược truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: (Nguyễn Hòa, Huỳnh Minh).

Lịch sử bước sang trang mới, Với truyền thống anh hùng trong kháng chiến được hun đúc là tài sản tinh thần vô giá để Đảng bộ và nhân dân Hoài Tân bước vào cuộc cách mạng mới thực hiện ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đảng bộ, chính quyền phường Hoài Tân đã lãnh đạo triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, Hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, Hoài Tân được công nhận là phường đô thị văn minh vào năm 2021.Tình hình an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn vững mạnh. Đảng bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, những năm gần đây Hoài Tân là đơn vị luôn nằm trong tốp đầu thi đua của thị xã. Cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn cần phải nỗ lực vượt qua, nhưng đến nay  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Tân đang có một cơ đồ to lớn và một tiền đồ rộng mở ở phía trước xứng tầm với đất mẹ Hoài Tân anh hùng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề